Chắc hẳn ai ai trong chúng ta cũng đều có một tuổi thơ êm đềm gắn liền với những bộ phim hoạt hình Việt Nam đầy ý nghĩa. Mỗi bộ phim đều … xem thêm…mang đậm một triết lí giáo dục vô cùng đắt giá. Cùng Toplist điểm qua những bộ phim hoạt hình Việt Nam hay nhất nhé!
Tít và Mít
Tít và Mít là bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh Tý Quậy của tác giả Đào Hải. Bộ phim cho thấy cách nhìn về thế giới xung quanh thông qua nhân vật chính là hai cậu học sinh tiểu học tên Tít và Mít. Sự nghịch ngợm và phá phách của cả hai cậu bé dù ở trường hay ở nhà, đều đã mang đến cho người xem rất nhiều tràng cười sảng khoái. Đa số tình huống đều bắt đầu từ miệng đứa em gái tên Tún hay mách lẻo của Tít, sau những hành động quậy phá, Tít sẽ luôn phải chịu những trận đòn roi của gia đình vì những việc quậy phá đã làm. Thế nhưng, Tít tuy nghịch ngợm nhưng cậu bé còn khá tốt bụng với mọi người, Tít dũng cảm và luôn muốn giúp đỡ người khác, vì vậy mà cho dù cậu rất nghịch ngợm thế nhưng ai ai cũng đều yêu mến cậu.
Tít và Mít đã vẽ nên cả một thế giới trẻ thơ với những ý nghĩ và ứng xử đời thường, những bài học rút ra từ lỗi lầm thông qua các tình huống hài hước trong ngày khai giảng, buổi cắm trại, thi nấu cơm… Với lối kể chuyện tự nhiên, những sự việc được đưa ra đã cho các em nhỏ có thể tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình.
Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng
Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng là một bộ phim hoạt hình dài tập được chuyển thể từ bộ truyện Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Ong Vàng của nhà văn Vũ Duy Thông. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một chú Ong Vàng bướng bỉnh, ngay từ khi còn nằm trong kén đã luôn có những đòi hỏi khác với mọi người. Chính vì bản tính hay lý sự và không chịu nghe lời bác Ong Già nên trong một lần đi kiếm mật, chú sang sông một mình để thỏa ý thích phiêu lưu, mạo hiểm của mình. Thế nhưng, chính vì thế mà chú ta đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm: gây ra sự hiểu lầm của Chim Sâu, sa vào lưới Nhện độc, gặp lũ Mối gian xảo, rơi vào hang của lão Ong Vằn dữ tợn.
Tuy gặp nhiều rắc rối là thế, nhưng bên cạnh Ong Vàng vẫn còn có những người bạn tốt sẵn lòng giúp đỡ chú vượt qua những khó khăn thử thách: anh Gọng Vó, bác Dế Trũi và nhất là Ong Út – một cậu bạn ong mật sẵn sàng hi sinh bản thân để bảo vệ Ong Vàng. Trên chặng đường này, Ong Vàng đã hiểu ra giá trị của bầy đàn, về tình bạn và cảm nhận sâu sắc hơn bản thân.
Hai chú dế mèn phiêu lưu ký
Bên cạnh những bộ phim Việt Nam đình đám một thời như Tít và Mít, bộ phim hai chú dế mèn phiêu lưu ký lấy ý tưởng, cảm hứng từ bộ truyện Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài cũng đã từng là tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ trẻ Việt Nam. Hai chú dế mèn phiêu lưu ký là câu truyện kể về cuộc phiêu lưu của hai chú dế mèn đáng yêu là Dế Đen và Dế Khoang. Hai chú dế tuy nhỏ bé nhưng vô cùng dũng cảm, dù cho có gặp bất cứ khó khăn nguy hiểm gì cũng luôn ở bên nhau cùng nhau vượt qua mọi thử thách.
Trong một tình tiết được nhiều người yêu thích của bộ phim Hai chú dế mèn phiêu lưu ký, Dế Đen và Dế Khoang trong một lần chơi đùa đã bị bắt vào một chiếc hộp kín. Dế Đen bằng lòng quyết tâm và sự thông minh đã tìm mọi cách vượt ra khỏi chiếc hộp rồi quay lại giúp Dế Khoang thoát nạn. Từ đó kịch bản nêu bật chủ đề: Trong cuộc sống cần phải có ý chí, nghị lực để vượt khó chứ không thể trông chờ vào sự may rủi của số phận.
Lớp học bồ câu
Lớp học bồ câu là bộ phim hoạt hình nội tiếng của việt nam, lấy cảm hứng từ bộ truyện “Lớp học của anh bồ câu trắng” của nhà văn Thy Ngọc. Lớp học bồ câu nói về câu chuyện của người thầy giáo mang cái chữ đến cho dân làng vùng cao. Bộ phim gợi lại cho mọi người khung cảnh của cái thuở bình dân học vụ đầy khó khăn vất vả. Trong bộ phim, người đứng lớp, nhận trách nhiệm truyền đạt kiến thức và cũng là điểm sáng của bộ phim chính là thầy giáo bồ câu, học sinh là những vật nuôi thân thuộc như lợn, gà, trâu, bò. Truyện được xây dựng dựa trên sự kiện có thật của phong trào bình dân học vụ đấy lùi nạn mù chữ ở nước ta cuối năm 1945 đến những năm 1954 – 1960. Ở lớp học đó thầy giáo có khi là những người lớn tuổi nhưng ở nhiều lớp thầy giáo chỉ là những cô bé, cậu bé vừa học hết tiểu học. Bộ phim đã mượn những hình ảnh đấy để xây dựng lên lớp của anh bồ câu sinh động và xúc động nhiều thế hệ độc giả.
Chính vì lẽ đó, bộ phim Lớp học bồ câu nhấn mạnh về sự quan trọng của giáo dục. Bộ phim đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc xung quanh những câu chuyện bên lớp học.
Hiệp sĩ Trán Dô
Hiệp sĩ Trán Dô là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên, phát hành vào năm 2006. Đạo diễn Phạm Minh Trí đã cố gắng để tác phẩm của mình tiếp cận với những khía cạnh nhân bản nhất trong đời sống hằng ngày để phù hợp với sở thích của đối tượng khán giả chính là trẻ em. Bên cạnh những dấu ấn truyền thống dân tộc đẹp đẽ thông qua những hình ảnh về đồng ruộng, có trâu, nón lá, bộ phim còn khắc họa chân thực mặt tối đời sống của những con người ở hiện tại. Không chỉ dừng lại ở những hình ảnh đẹp đẽ, Hiệp sĩ Trán Dô còn đề cập đến những vấn nạn trộm cắp, đánh đấm và cả những nỗi đau, mặt tối xã hội vẫn còn ám ảnh đến hiện tại như ma túy thông qua chi tiết về thế giới của loài Chuột và một con búp bê gỗ.
Tuy đề cập đến những vấn nạn trộm cắp, đánh nhau nhưng bộ phim đã khéo léo lồng ghép nhiều yếu tố hài hước khiến cho trẻ em cảm thấy thích thú. Qua các câu chuyện trong Hiệp sĩ Trán Dô, nhà làm phim muốn gửi gắm thông điệp về lòng dũng cảm trong mỗi con người, đồng thời dạy dỗ trẻ em về những điều hay lẽ phải trong cuộc sống thực tế.
Giấc mơ của Ếch Xanh
Khác với những bộ phim hoạt hình truyền thống khác của Việt Nam, Giấc mơ của Ếch Xanh chính là bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của điện ảnh Việt và đã xuất sắc đạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2007.
Giấc mơ của Ếch Xanh lấy cảm hứng và phỏng theo câu chuyện ếch ngồi đáy giếng trong dân gian. Bộ phim xoay quanh cặp đôi Ếch Bố và Ếch Con. Cũng như chú ếch trong câu chuyện ếch ngồi đáy giếng, Ếch Bố là một chú ếch già bảo thủ, có suy nghĩ hạn hẹp và luôn lo sợ về những tai họa xung quanh, nhưng chú lại luôn tự vỗ ngực tự cho mình là chúa tể muôn loài. Ếch Bố đã tìm cho Ếch Con một giang sơn hoành tráng là một cái giếng. Từ đáy giếng nhìn lên, bầu trời chỉ to bằng cái vung. Ếch Bố cho rằng cuộc sống thế nào rồi cũng an cư lạc nghiệp, không phải lo tranh chấp với một thằng cua con cá nào cả.
Tất nhiên, Ếch Con từ bé chẳng đi đâu xa ngoài cái giang sơn bé mọn của mình. Dưới sự giáo dục của bố, chú cũng bắt đầu nhiễm thói bảo thủ, tự cao tự đại của bố mình. Giấc mơ của Ếch Con trở nên bé nhỏ và thực dụng. Ếch Con nằm mơ từ đáy giếng của mình, với tay lên lấy mảnh trăng làm vương miện. Rồi chiếc vương miện lại biến thành những con cá để làm mồi cho chú.
Sự bảo thủ, thói kiêu căng sẽ làm hại Ếch Con nếu một ngày nọ bác Rùa không xuất hiện. Khi chú ta khoe khoang về cái giang sơn hoành tráng của mình thì bác đã khuyên bố con nhà Ếch nên ra biển. Bác Rùa kể cho họ nghe về những điều mắt thấy tai nghe, về đại dương mênh mông sóng vỗ, cánh chim hải âu mặc sức bay, dưới mắt nước là muôn vàn sự sống khác… cùng vẻ đẹp muôn hình vạn trạng khi bình minh, lúc hoàng hôn.
Chú bé đánh giày
Chú bé đánh giày là một phim hoạt hình ngắn xuất sắc của đạo diễn Doãn Thành. Bộ phim kể về cuộc sống của chú bé đánh giày đơn độc sống giữa phố xá tấp nập. Khác với cuộc sống hạnh phúc của bao bạn nhỏ may mắn có cha mẹ đầy đủ, chú bé đánh giày gầy gò, nhỏ xíu đã phải tự mình bương chải khắp nơi để kiếm sống, sáng đi tìm khách đánh giày kiếm cơm ăn, tối ngủ trong ống cống ở một công trường xây dựng.
Bộ phim Chú bé đánh giày khắc họa vô cùng thành công hình ảnh của chú bé đánh giày cũng như nhiều đứa trẻ đồng cảnh ngộ đang lang thang cơ nhỡ ngoài kia. Cuộc sống của chú bé đánh giày không hề dễ dàng, có nhiều lúc không có khách là bụng liền đói meo mà cậu bé chẳng có gì để ăn cả. Có khi may mắn, kiếm được ít tiền nhờ vị khách sộp thì cậu lại bị những đứa trẻ lang thang lớn tuổi hơn trấn lột. Thế nhưng, giữa bao khó khăn, chú lại nhận được những món quà đơn sơ mà xiết bao quý giá như ổ bánh mì nóng hổi. Dù đã trải qua quá nhiều khó khăn, thế nhưng trong trái tim nhỏ bé ấy vẫn ấm áp tràn đầy tình yêu thương, cậu bé sẵn sàng sẻ chia mẩu bánh mì của mình với chú cún hoang tội nghiệp.
Dưới bóng cây
Dưới bóng cây là một trong những bộ phim hoạt hình 3D có chất lượng tuyệt vời của Việt Nam, do đội ngũ sản xuất trẻ Colory Animation Studio thực hiện. Dưới bóng cây là bộ phim ngắn kể về một chú chuột nhát gan nhưng lại thích khoác lác làm người dũng cảm, và rồi chú nhận ra là: Chuột thật ra cũng dũng cảm lắm, nhưng lòng dũng cảm không phải nằm ở gan, mà là ở tim của Chuột. Bộ phim chỉ xoay quanh đơn giản bốn nhân vật chính: Chuột, Ếch, Kua và Rắn cùng nhiều tình huống, rắc rối hài hước, dở khóc dở cười của bốn nhân vật này.
Nội dung của Dưới bóng cây tuy đơn giản nhưng đầy đủ, gần gũi và có cốt truyện rõ ràng, dễ hiểu, sử dụng tình tiết để tạo nên những nút thắt – mở cho câu chuyện. Bên cạnh đó, lời thoại được sáng tác và lồng tiếng khá dễ thương, phù hợp tính cách nhân vật cũng như đối tượng khán giả nhỏ tuổi. Bộ phim được đông đảo khán giả đánh giá cao từ câu chuyện, tính cách nhân vật, biểu cảm, lời thoại… cho đến ánh sáng, đồ họa.
Cậu bé cờ lau
Cậu bé cờ lau là một bộ phim hoạt hình 3D thuộc thể loại sử thi có thời lượng dài nhất từ trước tới nay mà Việt Nam thực hiện. Chỉ mới ra mắt trong khoảng thời gian ngắn ngủi, bộ phim đã nhanh chóng giành được nhiều giải thưởng danh giá, gần đây nhất là giải thưởng “Bông sen vàng” tại lễ bế mạc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.
Cậu bé cờ lau là bộ phim tái hiện những ghi chép về cuộc đời, tính cách trong suốt những năm tháng ấu thơ của Đinh Bộ Lĩnh, người anh hùng đã có công dẹp loạn 12 sứ quân lập, thống nhất giang sơn và trở thành vị vua đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đinh Bộ Lĩnh trong phim được tạo hình dưới dáng vẻ một cậu bé đáng yêu với mái tóc để chỏm, có tình tình vô cùng nghịch ngợm, thông minh và có tư chất lãnh đạo ngay từ khi còn rất bé. Bộ phim đã tạo dựng nên một nhân vật lịch sử vô cùng thành công và những giai thoại về Vạn Thắng Vương – Đinh Bộ Lĩnh được lưu truyền nay lại được nhắc nhớ một cách sinh động, trực quan hơn đến với nhiều khán giả trong mọi độ tuổi.
Con Rồng cháu Tiên
Con Rồng cháu Tiên là bộ phim hoạt hình thể loại lịch sử Việt Nam được cố vấn nội dung bởi nhà sử học Dương Trung Quốc. Bộ phim được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và kể về nước Việt Nam thuở sơ khai với nước non đầy thú dữ, yêu tinh rình rập con người. Âu Cơ và Lạc Long Quân tình cờ gặp nhau trong tình cảnh đó và kết duyên, sinh ra bọc trứng trăm con và phải tìm cách đối phó với những con yêu tinh gây hại dân làng cũng như bọc trứng.
Mở đầu bộ phim Con Rồng cháu Tiên là hình ảnh Lạc Tiên trong một lần đánh đuổi ngư tinh để cứu lấy một cậu bé loài người giữa đêm giông bão thì bị thương nặng. Sau đó, Rồng Thần xuất hiện tiêu diệt yêu quái và giải nguy cho nàng. Từ giây phút ấy, cả hai đã phải lòng nhau. Lạc Tiên tên thật là Âu Cơ – đại diện cho sự sống muôn loài, Rồng Thần là Lạc Long Quân – cai quản bầu trời và biển cả. Tiếp đó là nhiều lần yêu quái gây hại dân làng cả hai dốc sức tiêu diệt. Rồi không bao lâu sau, cả hai kết duyên và sinh ra một bọc trứng. Sau khi trải qua nhiều gian nan thử thách, chiến đấu cùng những yêu quái và thế lực xấu xa, bọc trứng của hai người nở ra trăm người con và khi chúng trưởng thành thì Lạc Long Quân mới nói với vợ là Âu cơ rằng chúng ta nên chia 50 người con lên núi , 50 người con xuống biển để chia nhau ra đi xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trên đây là những bộ phim hoạt hình Việt Nam để lại nhiều dấu ấn cho người xem qua các năm, hãy cùng ôn lại tuổi thơ với những bộ phim này nhé !