Đạo diễn phim nổi tiếng nhất Việt Nam có thể coi là vừa đại diện cho nền điện ảnh đương đại Việt Nam, vừa đại diện cho cả gu xem phim của người Việt hiện nay. … xem thêm…Không chỉ có phim hài, mà các vị đạo diễn tài ba trên còn sản xuất ra được nhiều phim có chất nghệ thuật cao và đã được vinh danh cả trong và ngoài nước.
Victor Vũ
Victor Vũ tên thật là Vũ Quốc Việt (sinh ngày 25 tháng 11 năm 1975) là một đạo diễn phim, nhà biên kịch phim, nhà sản xuất phim và người dựng phim người Mỹ gốc Việt. Victor Vũ có một sự nghiệp thành công với rất nhiều các thể loại phim điện ảnh đa dạng, chuyển đổi liên tục giữa hành động, phim hài, phim tâm lý và phim kinh dị. Năm 2012, Victor Vũ được trao giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Cánh Diều Vàng.
Năm 2015, không ai là không nhắc đến tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước đó, những bộ phim gây được chú ý của anh là: Thiên mệnh anh hùng (2012), Quả tim máu (2014), Scandal: bí mật thảm đỏ (2012),… đều được coi là phim thương mại. Chỉ đến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), mọi người mới công nhận tài năng và thực lực của anh. Cái duyên với Nguyễn Nhật Ánh một lần nữa đưa Victor Vũ quay lại với Mắt biếc. Vẫn là cái cách dựng phim ấy, vẫn là cách khai thác nội tâm nhân vật ấy, Victor Vũ tháo gỡ những khúc mắc trong lòng khán giả một cách tài tình. Thành công với vô vàn các tác phẩm ăn khách giúp Victor Vũ trở thành cái tên bảo chứng doanh thu phòng vé cho điện ảnh Việt Nam.
Mong mỏi lớn nhất của Victor Vũ chính là vươn tầm điện ảnh Việt Nam. Để rồi tại các lễ trao giải lớn như Oscar hay Cannes, Việt Nam không còn chỉ là khán giả đứng ngoài đường đua nữa.
Lê Văn Kiệt
Lê Văn Kiệt là nhà làm phim Việt Nam, được biết đến với vai trò đạo diễn phim Furie and The Princess. Kiệt sinh ra ở ngoại ô Biên Hòa, gần Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1978. Anh sang Mỹ định cư khi mới 2 tuổi. Anh theo học trường Điện ảnh năm 20 tuổi và tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh.
Năm 2012, đạo diễn Lê Văn Kiệt lần đầu ra mắt khán giả Việt với bộ phim kinh dị dịp Valentine Ngôi nhà trong hẻm. Bắt đầu bằng câu chuyện tình của đôi vợ chồng trẻ Thành (Trần Bảo Sơn) – Thảo (Ngô Thanh Vân) cho tới khi cặp đôi trải qua biến cố mất con, vị đạo diễn trẻ mang tới một tác phẩm kinh dị hoàn toàn khác biệt so với những phim kinh dị Việt Nam trước đây. Lê Văn Kiệt mang tới một câu chuyện đơn giản đầy khác biệt, khéo léo pha trộn giữa các yếu tố kinh dị và tâm lý.
Sau 4 năm, vị đạo diễn nặng lòng với những câu chuyện được kể trên đất Việt trở lại với Hai Phượng, một trong số ít những tác phẩm thu được thành công lớn cả về phương diện thương mại và phê bình. Sau phim kinh dị và phim tâm lý, Lê Văn Kiệt làm mới mình bằng cách thử sức bằng một tác phẩm hành động. Hòa trộn khéo léo câu chuyện xúc động về tình mẫu tử, những phân cảnh hành động mãn nhãn trên cái nền miền Tây sông nước, Lê Văn Kiệt đã mang tới một Hai Phượng khiến khán giả nức lòng.
Nhìn vào gia tài điện ảnh của anh, bên cạnh một Hai Phượng đã quá đình đám, còn rất nhiều những tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm với người yêu điện ảnh. Và không chỉ khán giả Việt, Lê Văn Kiệt đã sẵn sàng để chinh phục công chúng quốc tế với những dự án sắp tới.
Nhất Trung
Đạo diễn Nhất Trung tên thật là Đoàn Nhật Trung sinh năm 1981, anh từng là thành viên của nhóm nhạc AXN, sau đó lại chuyển sang làm nhạc sĩ và ông bầu quản lý ca sĩ. Mặc dù chỉ hoạt động 2 năm nhưng anh đã đạt được nhiều thành công với các bản hit về tình yêu, tình bạn.
Sau khi lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Nhất Trung đã cho ra mắt nhiều “siêu phẩm” ăn khách có doanh thu phòng vé cao và được nhiều khán giả yêu mến như Bệnh viện ma, 49 ngày, Nắng, Cua lại vợ bầu, Hoán đổi, Vú em tập sự,…
Nổi bật nhất phải kể đến thành công của bộ phim “Cua lại vợ bầu” đã mang lại cho đạo diễn Nhất Trung giải “Biên kịch xuất sắc trong thể loại phim điện ảnh”. Năm 2019, bộ phim đã trở thành hiện tượng phòng vé với doanh thu thuộc hàng cao ngất ngưởng với 190 tỷ đồng, cùng sự góp mặt của các diễn viên có tên tuổi như MC Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc,…Dù bộ phim là tác phẩm đầu tay của Nhất Trung nhưng con số doanh thu đã chứng tỏ được một điều rằng tình cảm mà khán giả dành cho anh và bộ phim lại vô cùng rất lớn. Không những vậy, anh và ekip còn được giới chuyên môn đánh giá rất cao trong lĩnh vực điện ảnh Việt Nam.
Lê Thanh Sơn
Lê Thanh Sơn là một đạo diễn phim, nhà sản xuất phim nổi tiếng của Viêt Nam anh được biết đến nhiều nhất qua bộ phim điện ảnh Bẫy rồng do chính anh làm đạo diễn trước đó anh cũng là Phó Đạo diễn cho các bộ phim truyền hình nổi tiếng như Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng ngoài ra khán giả còn được biết đến anh qua vai trò nhà sản xuất của các bộ phim Để mai tính, Long Ruồi, Saigon Yo! , Lửa Phật, Âm mưu giày gót nhọn, Cú và chim se sẻ…Trong năm 2005, với bộ phim ngắn Tôi là ai đã giúp anh giành giải phim ngắn hay nhất tại lễ trao giải Cánh diều vàng năm 2005.
Từ lâu, cái tên Lê Thanh Sơn đã không còn xa lạ đối với những người yêu thích và tìm hiểu về điện ảnh Việt. Anh là người “cầm trịch”, góp công lao lớn trong nhiều dự án phim đặc sắc được lòng cả giới điện ảnh hàn lâm, nghệ thuật lẫn khán giả. Đặc biệt, Lê Thanh Sơn còn góp mặt trong danh sách những “đạo diễn trăm tỷ” hiếm hoi của màn ảnh Việt với siêu phẩm Em chưa 18 náo loạn phòng vé một thời.
Bùi Tiến Huy
Bùi Tiến Huy là một đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến thông qua những tác phẩm điện ảnh đầy ấn tượng như “Zippo, mù tạt và em”, “Tình yêu và tham vọng”, “Thương ngày nắng về” và gần đây nhất là phim giờ vàng ” Chúng ta của 8 năm sau”. Sinh ngày 21 tháng 9 năm 1983 tại Hà Nội, Bùi Tiến Huy có nguồn gốc từ một gia đình với truyền thống nghệ thuật sâu sắc. Ông là con trai duy nhất của NSND Bùi Đắc Sử – một nghệ sĩ Chèo, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam – và bà Hoàng Tân, một diễn viên cựu của Nhà hát Chèo Trung ương.
Với sự ảnh hưởng từ gia đình và văn hóa nghệ thuật sớm, Bùi Tiến Huy đã thể hiện tài năng đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh. Công việc của ông không chỉ là việc làm nghề nghiệp mà còn là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật trong gia đình. Cách ông tạo ra các tác phẩm điện ảnh thường phản ánh sâu sắc về cuộc sống, tình cảm và nhân văn, thu hút sự chú ý và lòng tin của khán giả.
Trần Anh Hùng
Trần Anh Hùng (sinh ngày 23 tháng 12 năm 1962) là một đạo diễn người Pháp gốc Việt. Trần Anh Hùng được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại. Ông là đạo diễn của Mùi đu đủ xanh (L’Odeur de la papaye verte), bộ phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Ngoài ra, Trần Anh Hùng cũng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh khác.
Một vị đạo diễn hiếm hoi trong Top 10 đạo diễn phim nổi tiếng nhất Việt Nam có gốc Pháp – thay vì rất nhiều vị đạo diễn có gốc Mỹ. Có lẽ mang đậm tư tưởng, lối suy nghĩ và cả nghệ thuật Pháp nhẹ nhàng, sâu lắng và lãng mạn nên phim của Trần Anh Hùng có góc quay đẹp đậm chất nghệ thuật. Ngay từ những thước phim đầu tiên của Mùi đu đủ xanh (1993), đến Xích lô (1995) và Mùa hè chiều thẳng đứng (2000). Tài năng của ông đã được công nhận khi được phía Nhật Bản chọn làm đạo diễn cho phim chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển Rừng Na-Uy (2010).
Vũ Ngọc Đãng
Vũ Ngọc Đãng sinh năm 1974, quê ở tỉnh Thái Bình. Anh là một trong số ít những đạo diễn trong nước được biết tới như một người tạo ra những bộ phim thành công cả về doanh thu lẫn nghệ thuật. Anh từng tốt nghiệp thủ khoa và gây tiếng vang với phim ngắn Vợ chồng chuột. Phim của anh được chọn để tham gia LHP Sinh viên quốc tế tại Israel vào tháng 6/2001, nhưng tiếc là anh không thể tới dự.
Có lẽ Vũ Ngọc Đãng là vị đạo diễn duy nhất trong đây có tên tuổi được biết đến trên cả nước nhờ phim truyền hình. Sau thành công của phim Bỗng dưng muốn khóc (2008). Vũ Ngọc Đãng tiếp tục tạo dựng thương hiệu cho bản thân bằng cách hợp tác lần 2 với bộ đôi diễn viên Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải để cho ra mắt phim điện ảnh Đẹp từng centimet 2009). Sau này anh tiếp tục hợp tác cùng diễn viên Lương Mạnh Hải qua cả mảng điện ảnh và truyền hình như Hot boy nổi loạn (2011), Vừa đi vừa khóc (2014), Vòng eo 56 (2016),…
Nguyễn Quang Dũng
Nguyễn Quang Dũng hay còn gọi là Dũng “khùng” sinh ngày 18 tháng 1 năm 1978 , xuất thân trong gia đình có cha là một nhà văn nổi tiếng (nhà văn Nguyễn Quang Sáng) song Nguyễn Quang Dũng lại không theo nghiệp văn chương mà quyết tâm chọn điện ảnh làm bến đỗ cho cuộc đời mình. Năm 1999, Nguyễn Quang Dũng tốt nghiệp lớp Đạo diễn ảnh khóa 1 của trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, với tấm bằng loại giỏi.
Cơ hội bắt đầu “chạm ngõ” khi phim Dũng “khùng” nhận lời làm phó đạo diễn cho Vũ khúc con cò (ĐD Nguyễn Phan Quang Bình), một bộ phim hợp tác với nước ngoài về đề tài chiến tranh Nguyễn Quang Dũng bắt đầu quen mặt với khán giả mê điện ảnh khi anh có 2 bộ phim được yêu thích vào năm 2008 là Nụ hôn thần chết và Hồn trương ba, da hàng thịt. Cả 2 bộ phim đều thu hút được đối tượng khán giả riêng: sinh viên, học sinh và người đang đi làm. Thành công của cả 2 phim (đều là phim hài) đã giúp Quang Dũng tiếp tục với Những nụ hôn rực rỡ và Giải cứu thần chết vào năm 2009. Cho đến nay, bộ phim đặc sắc Mỹ nhân kế vào năm 2013 vẫn được đánh giá là bước đi tiến lên hoàn hảo trong công cuộc làm phim của anh.
Charlie Nguyễn
Charlie Nguyễn tên thật là Nguyễn Chánh Trực (sinh ngày 25 tháng 11 năm 1968 tại Sài Gòn, Việt nam) là một đạo diễn phim, đạo diễn sân khấu, nhà biên kịch phim, nhà biên kịch hài và nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Việt. Charlie Nguyễn là đạo diễn thường trực cho các chương trình sân khấu cũng như các phóng sự tài liệu của Trung tâm Vân Sơn nhiều năm nay, anh chính là anh trai của nam diễn viên phim võ thuật Johnny Trí Nguyễn, hai anh em cùng danh hài Vân Sơn với diễn viên Dustin Nguyễn đều là cháu ruột của Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín.
Charlie Nguyễn là vị đạo diễn góp phần tạo nên tên tuổi của diễn viên Thái Hòa. Charlie Nguyễn có các phim được sản xuất, ra mắt họp báo một cách nổi bật và thu hút không kém gì các phim của Hollywood. Và cũng phải công nhận rằng, dù là phim hài hay phim hành động thì màu sắc phim của Charlie Nguyễn đều mang đậm sắc màu Hollywood. Gia tài phim của anh rất nhiều, có thể kể đến là Tèo em (2013), Bụi đời chợ lớn (2013), phim bị cấm chiếu do có cảnh bạo lực, đâm chém đẫm máu), Để mai tính (2010), Long ruồi (2011), Cưới ngay kẻo lỡ (2012), Ngọa hổ tàng long 2 (2016), Em chưa 18 (2017), Chàng vợ của em (2018)….
Lê Hoàng
Lê Hoàng (sinh ngày 20 tháng 1 năm 1956 tại Hà Nội) là một đạo diễn điện ảnh của Việt Nam. Anh được biết đến từ thập niên 1990 trong vai trò đạo diễn của những bộ phim mang tính nghệ thuật nghiêm túc như Lưỡi dao hay Ai xuôi vạn lý. Anh cũng tham gia viết bài cho một số báo như Tuổi trẻ Cười, Thể thao & Văn hoá,… Các bài viết của anh thường ký bút danh theo tên vợ là Lê Thị Liên Hoan và viết theo phong cách phỏng vấn giả tưởng hoặc châm biếm.
Lê Hoàng là đạo diễn duy nhất trong Top 10 đạo diễn phim nổi tiếng nhất Việt Nam nổi tiếng qua việc phát ngôn có tính châm biến, sâu cay, vị đạo diễn này hay làm giám khảo gameshow, MC của các chương trình talkshow thay vì nổi tiếng về tác phẩm của mình. Đương nhiên, nói như vậy cũng không công bằng khi đạo diễn Lê Hoàng cũng gây được tiếng vang sau thành công của bộ phim Gái nhảy (2001) – một bộ phim đậm chất giải trí, khác hẳn với các đạo diễn còn lại trong danh sách – những người tập trung tạo ra những bộ phim nghệ thuật, có ý nghĩa, mang đến cho khán giả những bộ phim chất lượng.
Cường Ngô
Đạo diễn Cường Ngô tên đầy đủ là Ngô Quốc Cường, sinh năm 1978 tại Sài Gòn, Việt Nam. Đạo diễn Cường Ngô học Khoa Diễn viên tại trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian tham gia dự án phim “Người Mỹ Trầm Lặng”, Cường Ngô đã may mắn gặp được nhà sản xuất người Canada Doug Dalesa. Ông chính là người đã khuyên Cường Ngô nên đến Canada để học thêm về điện ảnh. Năm 2005, Cường Ngô quyết định sang Canada du học ngành Biên kịch – Đạo diễn tại trường Đại học York, để bước gần hơn đến nghệ thuật.
Vị đạo diễn trẻ Ngô Quốc Cường có thể ít xuất hiện trên mặt báo, nhưng trong top 10 đạo diễn phim nổi tiếng nhất Việt Nam không thể thiếu tên anh. Với khát vọng mang điện ảnh Việt Nam ra thế giới, từng sống ở Mỹ, sang Canada học làm phim, giờ đây Ngô Quốc Cường đang dần định hình cho mình một phong cách làm phim riêng biệt. Những tác phẩm của anh “ít nhưng chất”, khi mỗi phim đều là một thử nghiệm mới của Ngô Quốc Cường: Cây trâm vàng (2009). Hương Ga (2014), Hòn ngọc viễn đông (2012) và mới nhất là phim hài Ngày nảy ngày nay (2015).
Trần Hàm
Hàm Trần hay Trần Hàm, tên thật là Trần Quang Hàm sinh năm 1974 tại Sài Gòn, là một người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với vai trò đạo diễn phim, sản xuất phim, biên kịch phim và dựng phim. Anh di cư qua Mỹ lúc 8 tuổi tức là năm 1982. Khi lớn lên, Hàm Trần học làm đạo diễn, ngoài ra anh còn làm sản xuất phim, biên kịch phim và dựng phim. Hàm Trần là bạn thân của diễn viên Lâm Nguyễn, hai người đã từng làm việc cho Trung tâm Vân Sơn với vai trò quay phim cho các phóng sự tài liệu.
Bộ phim đầu tay năm 2004 của Trần Hàm là phim Ngày giỗ (2003), phim đã gây ấn tượng với giới phê bình phim, khi phim giành được đến 25 giải thưởng điện ảnh quốc tế cho mục phim ngắn, và lọt vào bán kết để cử của Oscar. Sau khi ra mắt bộ phim thứ 2 cũng về chủ đề chiến tranh Việt Nam là phim Vượt sóng (2007), Trần Hàm chuyển sang làm phim thương mại mang lại doanh thu cao như Âm mưu giày gót nhọn (2013), Đoạt hồn (2014), Siêu Trộm (2016).
Bạch Diệp
Bạch Diệp tên thật Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Từ năm 6 tuổi, bà đã được đưa theo học ở trường tu viện Saint Dominique ở Hải Phòng. Năm 1959, bà theo học lớp đạo diễn điện ảnh do Bộ Văn hóa Thông tin mở dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Bà tốt nghiệp năm 1963, sau đó về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân, chuyển thể từ chèo, sau được trao giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai. Những bộ phim tiếp theo của bà ra đời sau đó là Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng dừa (1977), Người chưa biết nói (1979)… Nổi bật nhất là hai bộ phim Ngày lễ thánh (dựa theo cuốn tiểu thuyết Bão biển của Chu Văn) và Huyền thoại mẹ, đều do nghệ sĩ nhân dân Trà Giang đóng vai chính, đều giành được giải thưởng Bông sen bạc.
Bà về hưu năm 1992. Bà vẫn được mời làm phim truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam. Bà còn làm phim cho các chuyên mục Điện ảnh chiều thứ 7 và Văn nghệ chủ nhật. Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ. Bà là một trong số các nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Năm 2008, bà là một trong 11 nghệ sĩ đương đại được tôn vinh trong ngày kỉ niệm 55 năm thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bà qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm 2013, thọ 84 tuổi.
Việt Linh
Đạo diễn Việt Linh tên đầy đủ là Nguyễn Việt Linh sinh năm 1952 là người Pháp gốc Việt. Năm 16 tuổi, Việt Linh bỏ thành phố lên rừng tìm cha đang tham gia kháng chiến. Từ năm 17 tuổi, vào chiến khu, Việt Linh đến với điện ảnh. Sau đó, bà được hãng phim Giải Phóng cử đi học và tốt nghiệp loại ưu khoa Đạo diễn – Trường Đại học Điện ảnh Liên bang Xô viết (VGIK) với lời chú ý của giáo sư: “Đủ khả năng làm đạo diễn, không cần qua vị trí trợ lý”.
Về nước, hãng phim giao cho bà bộ phim “Nơi bình yên chim hót”, đó là bộ phim đầu tiên của nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam. Từ năm 1971, bà tham gia hoạt động điện ảnh với vai trò dựng phim, biên tập, biên kịch và là đạo diễn của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo – Thời vang bóng…
Phim của bà từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước, quốc tế. Năm 2014, bà trở về Việt Nam và quyết định dựng Thiên Thiên – vở kịch bà vẫn nói vui: “phù hợp với khán giả từ 15 đến 90 tuổi”. Ngoài ra, đạo diễn Việt Linh là tác giả và chủ biên Tủ sách điện ảnh với nhiều tác phẩm: Dạo chơi vườn điện ảnh, Ý tưởng nghề nghiệp (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006), 20 bài học điện ảnh (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2007), Chuyện mình chuyện người (NXB Trẻ, 2008)…
Năm 2014, Việt Linh cho ra mắt hai cuốn sách Năm phút với gác xép, tập hợp những tản văn mà nữ đạo diễn đã viết nhiều số cho chuyên mục của một tạp chí mà chị đứng tên. Và tập sách khác là “Ở đây có nắng” mà như nữ đạo diễn chia sẻ là bộ phim truyền hình dài tập trên giấy thể hiện tâm tư “khát làm phim qua chữ” của mình.
Trong số 10 đạo diễn phim nổi tiếng nhất Việt Nam, có những đạo diễn đã ngừng làm phim, có người chuyển sang ngành giải trí, nhưng đa số các đạo diễn trên đều đang không ngừng trau dồi bản thân, tận tâm với nghề để cho ra đời các tác phẩm điện ảnh chất lượng. Hãy cùng chờ đón các tác phẩm mới của họ nhé.