Đời học sinh, sinh viên có lẽ là quãng thời gian mà mỗi người ghi nhớ nhất với những kỷ niệm vui buồn. Chính vì vậy, đề tài cuộc sống của học sinh, sinh viên … xem thêm…luôn được các nhà làm phim ưu ái khai thác. Cho dù bạn là thế hệ nào 8x, 9x hay 10x, bạn cũng sẽ có một hoặc nhiều bộ phim học đường gắn bó. Dưới đây là top những phim học đường Việt Nam sống mãi với thời gian.
Thứ Ba Học Trò
Thứ Ba Học Trò xoay quanh lớp 12A1 của một trường tư thục với 40 học sinh. Vì quá nghịch ngợm và quậy phá, thầy, cô giáo và phụ huynh đặt tên lớp là “40 tên cướp”.
Thầy giáo Tuấn đến nhận lớp 12A1 sau khi cô chủ nhiệm của lớp này phải nghỉ do sinh nở. Thầy Tuấn được xem như Alibaba trong lớp học, bị “40 tên cướp” quậy phá, khi biết thầy và cô giáo Thư Cầm yêu nhau, lũ học trò càng tìm cách chọc phá.
Sống giữa lũ học trò nghịch hơn quỷ, thầy Tuấn dần nhận ra nguyên nhân làm các em khó dạy bảo là do thiếu sự quan tâm từ cha mẹ. Cha mẹ các em là những người thành đạt, giàu có nhưng chỉ lo kiếm tiền, không quan tâm gì tới con cái. Thứ Ba Học Trò với những tình huống hài hước, tinh nghịch đã chinh phục được không ít khán giả.
Nhật Ký Vàng Anh
Nhật Ký Vàng Anh là phim sitcom được lòng rất nhiều bạn trẻ tuổi teen ở thời điểm phim phát sóng. Phim kể về cuộc sống thường ngày của các cô cậu học trò mà nhân vật chính là Vàng Anh.
Ở độ tuổi mới lớn, Vàng Anh cũng như bạn bè bắt đầu làm quen với những mối quan hệ trong xã hội. Họ gặp phải những băn khoăn, thắc mắc, khó xử. Những tâm sự, nghĩ suy của mình, Vàng Anh đều viết vào cuốn nhật ký và coi đó như một người bạn tri kỉ.
Nhật Ký Vàng Anh gồm hai phần, mỗi phần đều nhận được sự quan tâm của khán giả trẻ. Khi phần hai đang phát sóng, vì scandal của Hoàng Thùy Linh mà phim bị dừng phát sóng, để lại nhiều tiếc nuối cho người xem.
Gọi Giấc Mơ Về
Gọi Giấc Mơ Về là một trong những phim học đường được khán giả yêu thích nhất. Ngay từ những tập đầu tiên, Gọi Giấc Mơ Về đã chiếm được cảm tình của người xem nhờ nội dung sinh động, hài hước và không kém phần cảm động.
Nhân vật chính của phim là Phụng – một cô nàng hậu đậu, vụng về và ngốc nghếch. Tuy học hành trầy trật nhưng Phụng rất tốt bụng. Phụng thầm thích Minh – đàn anh khóa trên. Mãi sau này cô mới nhận ra anh bạn Quân – người luôn ở bên cạnh chia sẻ niềm vui nỗi buồn mới là một nửa của mình.
Phim chia làm hai phần: Nửa đầu phim kể về về tuổi học trò trẻ trung, hài hước; nửa sau là quá trình trưởng thành của các nhân vật.
Cổng Mặt Trời
Cổng Mặt Trời là một trong những bộ phim Việt Nam từng tạo nên cơn sốt với giới trẻ. Nhờ có phim này mà những cái tên như Lương Thế Thành, Nguyệt Ánh, Lê Bê La, Tú Vi, Hòa Hiệp… bắt đầu tỏa sáng và được công chúng biết đến.
Cổng Mặt Trời là câu chuyện sinh động của năm chàng sinh viên dí dỏm trọ trong căn nhà cuối hẻm với sáu cô gái đáng yêu sống trong căn gác gỗ có giàn hoa ti-gôn trước cổng. Những câu chuyện bi hài về cuộc sống sinh viên như chuyện sống thử, chuyện làm gia sư, xung đột gia đình, nhiễm bệnh nghề nghiệp… đã phản ánh chân thực cuộc sống thực tế mà các bạn trẻ ngày nay đang gặp phải.
Là bộ phim truyền hình được yêu thích nhất trên HTV năm 2010, Cổng mặt trời được chiếu lại rất nhiều lần trên màn ảnh nhỏ và được đông đảo khán giả yêu mến, theo dõi. Bộ phim là bước đệm đưa hàng loạt những diễn viên trẻ như Tú Vi, Lê Bê La, Lương Thế Thành… đến gần hơn với người xem.
Bộ phim Cổng mặt trời đem đến cho người xem nhiều tiếng cười và cả nước mắt. Diễn xuất gần gũi, tự nhiên của dàn diễn viên cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của bộ phim.
Chít Và Pi
Phim dài 26 tập do Ngô Quang Hải làm tổng đạo diễn, biên tập Phan Đăng Di. Mỗi tập là một câu chuyện đề cập đến những mối quan hệ học đường, từ sự quan tâm của cha mẹ với con cái đến những áp lực học hành của các cô cậu học trò.
Chít và Pi xoay quanh hai nhân vật chính có cá tính trái ngược nhau: Chít (Lê Bảo Hân) mạnh mẽ, cá tính và Pi (Lê Bảo Trân) hiền lành, thuỳ mị. Tình cờ học chung trong lớp 10A6, nơi tụ họp những cô cậu dở dở ương ương, vô cùng lắm chuyện và nghịch ngợm, Chít và Pi trở thành đôi bạn thân thiết.
Tình cờ một ngày hai đứa phát hiện ra Chít chỉ còn mẹ, Pi chỉ còn bố. Cả hai đã lập kế hoạch đưa hai phụ huynh đến với nhau. Nhưng làm thế nào để hai tính cách khác nhau một trời một vực, một đằng là bà mẹ phóng khoáng, ưa màu sắc mạnh của Chít lại có thể thành đôi với ông bố chỉn chu, thành đạt của Pi? Và khi thành công, bố mẹ trở thành bố mẹ chung thì hai cô bé lại phải đối mặt với rất nhiều chuyện nảy sinh trong gia đình mới.
Phim với tiết tấu trẻ trung, nhiều tình tiết hài hước, dí dỏm nhưng không kém phần lãng mạn và tình cảm. Sự sống động tươi trẻ trong phim có được một phần nhờ đạo diễn, êkíp làm phim cùng một dàn diễn viên trẻ tài năng như: Bên cạnh một Tổng đạo diễn đầy kinh nghiệm Ngô Quang Hải (từng rất thành công với Chuyện của Pao), êkíp phim cũng có sự góp mặt của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp – đạo diễn phần đầu Bộ tứ 10A8.
Bộ Tứ 10A8
Bộ tứ 10A8 xoay quanh cuộc sống của bốn nhân vật: Phan Linh – La La – Mai Lâm – Đô Đô. Mỗi nhân vật có một tính cách khác biệt nhưng thân thiết với nhau.
Một cô hậu đậu, dễ tin người; một cô lơ đễnh, trẻ con, đi đâu cũng cầm theo cái máy khâu mini; một cô mang phong cách tomboy, mạnh mẽ cùng một anh chàng hám tiền, máu kinh doanh, keo kiệt hay bắt nạt em gái. Phim phản ánh sinh động các mối quan hệ anh em trong gia đình, tình bạn học trò, những mối quan tâm của giới trẻ và những trải nghiệm đầu đời với xã hội.
Bộ Tứ 10A8 là phim sitcom tập trung vào đời sống học đường của thế hệ 9x với những vui buồn, yêu thương bằng góc nhìn hài hước. Phim gồm nhiều câu chuyện đời thường của một nhóm những bạn trẻ, với nhiều tình tiết thú vị, quen thuộc.
Kính Vạn Hoa
Phim kể về những câu chuyện vui buồn trong giới học trò, trong đó có cả những trò nghịch ngợm và những bài học cuộc sống sâu sắc, đầy ý nghĩa. Ba nhân vật với ba tính cách khác nhau đã tạo thành tổ hợp mang lại nhiều tiếng cười cho người xem. Lợi thế của Kính vạn hoa so với những phim học đường khác chính là ở lượng fan cực kì đông đảo mà bộ truyện gốc sẵn có.
Có thể nói Kính vạn hoa là thời kì hoàng kim của điện ảnh truyền hình Việt, khi các cô cậu học trò chỉ mong đến hè để có dịp xem phim hoặc tiếc ngẩn ngơ khi bỏ sót một tập. Trong mỗi tập phim là những sự kiện xảy ra xung quanh cuộc sống của 3 cô cậu học trò nhí Long (Vũ Long) – Quý (Ngọc Trai) – Hạnh (Anh Đào) với những tình tiết vô cùng thú vị và vui nhộn.
Phim được chuyển thể từ những trang truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, là một trong số ít những bộ phim học đường được công chiếu trên truyền hình.
Phim kể về những câu chuyện tuổi học trò, những trò quậy phá nghịch ngợm và vô cùng hài hước của ba câu cậu học trò Tiểu Long, Quý “ròm”, Hạnh “cận”, từ đó đem đến những bài học cuộc sống sâu sắc, ý nghĩa.
12A Và 4H (1995)
12A và 4H là bộ phim thứ hai dựa trên tiểu thuyết Vĩnh Biệt Mùa Hè (trước đó là bộ phim điện ảnh cùng tên tiểu thuyết). Sau khi phát sóng, phim đã được đông đảo khán giả đón nhận. 12A và 4H trở thành bộ phim kinh điển, gắn liền với tuổi thơ của thế hệ cuối 7x, đầu 8x.
Bộ phim lấy bối cảnh ở trường Marie Curie, Thành phố Hồ Chí Minh, lớp 12A đang bước vào năm học cuối cấp. Trong lớp có nhóm 4H, gồm 4 cô gái có tên bắt đầu bằng chữ H: Hằng (lớp trưởng), Hạ (bí thư chi đoàn), Hoa và Hân. Ngoài ra còn có Long – một chàng trai con nhà nghèo; Thiện – con một Đại tá công an mới từ tỉnh chuyển lên thành phố; Ngôn – công tử nhà giàu ăn chơi lêu lổng, lười học, hay hỗn láo với thầy cô; nhóm Bốn Mùa (hay bị trêu là Ngũ Quỷ) – nhóm của Ngôn; thầy Minh – thầy giáo chủ nhiệm mới và cũng là một nhà thơ.
Bên cạnh những rung động đầu đời của các em, thầy Minh phải đối mặt với những rắc rối của học sinh trong lớp, có những đứa hiền lành ngoan ngoãn, có đứa lại nổi loạn, bướng bỉnh.
Phía Trước Là Bầu Trời (2001)
Nhắc đến những bộ phim Việt Nam hay về đề tài sinh viên, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Phía trước là bầu trời. “Đứa con tinh thần” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải phát hành năm 2001 và chinh phục được đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên vào thời điểm lên sóng.
Bộ phim xoay quanh cuộc sống của một nhóm sinh viên nghèo cùng sống trong một khu trọ nhỏ với những câu chuyện về công việc, tình bạn, tình yêu của những người trẻ tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh, tính cách nhưng rồi cuộc sống đã đưa họ đến những ngã rẽ, bước ngoặt khác nhau để hiểu và thông cảm với nhau hơn. Đây là bộ phim tái hiện chân thực và sâu sắc về cuộc sống các cô cậu sinh viên học xa nhà, ở trọ cùng nhau trong khu xóm trọ vào những năm đầu thế kỷ 21.
Một cuộc sống sinh viên cơ cực nhưng chất chứa nhiều niềm vui. Phim xoay quanh ba cô nàng Nguyệt, Thương, Nhung, mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh nhưng đều chung một nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Chiến Dịch Trái Tim Bên Phải (2004)
Phim nói về một nhóm học sinh lớp 10 có tên là “nhóm Bát Quái” rất tinh nghịch nhưng cũng không kém phần thông minh. Cô giáo Hoài An (Hồ Ngọc Hà), một cô giáo trẻ mới về nhận lớp đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của các cô cậu học trò, và trở thành thần tượng của bọn trẻ.
Bộ phim đưa ra một cách giải thích dí dỏm về nhu cầu thần tượng vốn dĩ là nhu cầu tự nhiên của lớp trẻ. Thần tượng lên ngôi không phải bằng sự lên lớp ra rả, mà bằng chính tính cách độc đáo để đám trẻ “tâm phục khẩu phục”. Cả một hội được thành lập gọi là “hội những thành viên hâm mộ cô Hoài An”, lúc nào cũng kè kè đi theo hộ tống cô giáo, đặc biệt có cả một chiến dịch được vạch ra nhằm…tìm người yêu cho cô. Và, chính trong sự thần tượng dễ thương và nghịch ngợm đến thế, không khí học tập lại trở nên sống động, tích cực hơn. Phim nhẹ nhàng, vui tươi nhưng không kém phần sâu sắc, thể hiện tâm lý tuổi mới lớn của tuổi học trò.
Bộ phim nhận được những đánh giá được đánh giá là một trong những bộ phim hiếm hoi khai thác tốt đề tài học trò và được nhà phê bình Hoài Nam của báo Tuổi trẻ đưa ra danh sách ‘5 lý do để xem Chiến dịch trái tim bên phải. Đây cũng là một trong những vai diễn hiếm hoi trong sự nghiệp diễn xuất của ca sĩ Hồ Ngọc Hà.
Hướng Nghiệp (2005)
Hướng Nghiệp là bộ phim đề cao lối sống năng động, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của lớp trẻ. Các nhân vật chính trong phim đều là những người trí thức trẻ, mỗi người chọn cho mình một cách sống, một con đường tiến thân khác nhau và đôi khi họ phải trả giá cho sự lựa chọn đó.
Tám nhân vật trong phim cùng học chung, chơi chung từ bé. Giữa họ có cả tình bạn và tình yêu và những mâu thuẫn trong cách sống và quan điểm. Nhưng vượt qua những khó khăn ấy là bạn bè luôn ở bên nhau, giúp đỡ nhau. Với Hướng Nghiệp, khán giả cảm nhận hết những chua chát, gian khổ của cuộc đời và đồng cảm với những bạn trẻ chẳng may mắc lầm lỗi.
Khi bộ phim truyền hình dài tập Hướng nghiệp phần 1 được chiếu, khán giả màn ảnh nhỏ đều hồi hộp theo dõi những diễn biến đầy kịch tính xung quanh một nhóm bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học trước những ngã rẽ sau khi ra trường.
Có người trong số họ chọn sự nghiệp làm đầu, quyết tâm tìm một chỗ đứng vững chắc để khẳng định mình, lại có người tìm kiếm và đi theo tiếng gọi tình yêu. Nhưng giữa họ, tình bạn đẹp vẫn luôn tồn tại và dắt nhau qua những thời điểm khó khăn nhất.
Những thiên thần áo trắng
Bộ phim nói về cô nàng 18 tuổi tên July Miu được ba đưa từ nước Anh về Việt Nam và cho vào học trong một trường cấp 3 dân lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Không hề nhút nhát và bị động, Miu đã sớm làm quen với các bạn trong lớp, do có trí thông minh và lanh lợi, cô nàng mạnh dạn xin cô giáo cho mình làm lớp trưởng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Từ đó Miu đã dẫn đầu các bạn trong lớp học hành tiến bộ hơn, học như chơi và chơi như học, tình cờ tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Miu chơi thân với sáu người bạn là Hùng, Nam, Bắc, Tuyết, Mai và Ngọc.
Khác với các phim truyền hình có nhiều tập cùng một cốt truyện, Những thiên thần áo trắng chọn cách kể với mỗi tập là một câu chuyện, tất cả đều là các vấn đề của học trò và tất cả đều được giải quyết “không giống ai” nhưng lại thuyết phục.
Nếu có gì đặc biệt ở phim này thì câu chuyện diễn ra gần như xuyên suốt trong lớp học, chiếm một thời lượng chủ yếu, bởi chính lớp học là môi trường quan trọng nhất của tuổi teen. Các nhân vật trong phim đều rất ngoan, rất có cá tính nhưng đều rất trong sáng, không hề có một nhân vật nào bị “bôi bẩn” để gây kịch tính. Mọi lỗi lầm đều chỉ là nhất thời…’
Chạm tay vào nỗi nhớ (2013)
Chạm tay vào nỗi nhớ (2013): “Con cưng” của đạo diễn Hồng Sơn là một trong những bộ phim mới về đề tài học sinh, sinh viên được yêu thích nhất. Thuộc thể loại tâm lý hình sự song Chạm tay vào nỗi nhớ lại đề cập tới đời sống, tình cảm và những trải nghiệm của sinh viên trường cảnh sát thông qua những vụ án.
Chạm tay vào nỗi nhớ kể về nhóm sinh viên năm thứ nhất của học viện cảnh sát trong đó có Quân – con của một vị Thiếu tướng trong ngành – được mẹ chiều chuộng và ỷ vào chức vụ của bố nên ngang tàng và hống hách. Quân tự xưng mình là “cậu” để chứng tỏ vẻ bề trên so với các bạn và thách thức mọi kỷ luật của nhà trường, coi thường giáo viên chủ nhiệm. Cô bạn học cùng lớp là Ngân Hà luôn cảm thấy khó chịu trước những trò phá phách của Quân và nhiều lần lên tiếng can thiệp, vì thế bị Quân đặt biệt danh là Canpo. Tuy nhiên, sau này Quân và Hà lại nảy sinh tình cảm với nhau. Để “điều trị” Quân, nhà trường quyết định mời thượng úy Minh – một cựu cán bộ điều tra đã phải chuyển công tác – làm chủ nhiệm của lớp Quân. Bắt đầu từ đây, những câu chuyện bí ẩn và hấp dẫn giữa các nhân vật trong phim dần hé lộ.
Chạm tay vào nỗi nhớ thu hút người xem, nhất là khán giả trẻ với những câu chuyện về hành trình phá những “vụ án” trong chính Học viện cảnh sát. Từ đó, những bài học về tình bạn, tình thầy trò, tình đồng đội được truyền đạt một cách chân thực và sâu sắc.
Cùng với dàn diễn viên trẻ đẹp, được nhiều khán giả yêu thích như Tiến Lộc, Baggio, Thanh Sơn…, bộ phim từng tạo nên cơn sốt trong khoảng thời gian lên sóng. Trong lễ trao giải Cánh diều 2013, Chạm tay vào nỗi nhớ giành được giải Cánh diều bạc cho Phim truyền hình xuất sắc nhất.
Xin hãy tin em (1997)
Xin hãy tin em (1997) là bộ phim xoay quanh cuộc sống của một nhóm sinh viên tỉnh lẻ trong ký túc xá trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tâm điểm là câu chuyện tình của Hoài “thát- chơ” – cô sinh viên ngang tàng, quậy phá nhưng bản chất tốt bụng do diễn viên Lệ Hằng thủ vai – với anh chàng Phong “lãng tử” do Lê Vũ Long thể hiện.
Bộ phim để đời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải được đánh giá là một trong những phim về đời sống sinh viên hay nhất của màn ảnh Việt Nam khi đã lột tả thành công hoàn cảnh sống cũng như suy nghĩ, tình cảm, hoài bão của những cô cậu sinh viên thời kì đó bằng những câu chuyện rất đời, vừa hài hước vừa cảm động, cùng với diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên.
Chỉ dài 3 tập phim song Xin hãy tin em đã tái hiện một cuộc sống sinh viên muôn màu, muôn vẻ với nhiều trạng thái từ vui, buồn, hạnh phúc đến tuyệt vọng.
Phim để lại sự day dứt, ám ảnh về câu chuyện tình của Hoài “Thát-chơ” và Phong “lãng tử”. Từ một cô gái với tính cách mạnh mẽ, phá phách, ngang tàng Hoài đã thay đổi và thành một người dịu dàng, nữ tính kể từ sau khi gặp chàng sinh viên Nhạc viện tên Phong. Thế nhưng, câu chuyện tình yêu của đôi trẻ đã không có được một cái kết hạnh phúc.
Ký túc xá – KTX (2007)
Được đài truyền hình TP.HCM sản xuất vào năm 2007, bộ phim KTX của đạo diễn Châu Huế ngay từ khi ra mắt đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của khán giả.
Kịch bản phim được lấy cảm hứng từ cuộc sống sôi động, đa sắc màu của những người trẻ đương thời. Mạch phim là chuỗi ngày tháng học tập và làm việc của nhóm bạn trẻ đến từ mọi miền đất nước. 65 tập phim xây dựng xung quanh cuộc sống của sinh viên trong một kí túc xá(KTX) với các nhân vật: Kiên, Thanh, Trinh, Xuân – những bạn trẻ đến từ khắp mọi miền đất nước để học tập và làm việc tại TP.HCM. Cuộc sống mưu sinh đã xô đẩy từng người vào những hoàn cảnh khác khau và mỗi người cũng lựa chọn cho mình một cách sống khác nhau.
“Những con người trẻ tuổi với cái nhìn trong trẻo và hồn nhiên khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời sẽ vấp phải không ít khó khăn và thử thách. Sẽ có người gục ngã nhưng cũng có người vươn lên bằng ý chí và nghị lực…”.
Đó cũng là thông điệp mà KTX muốn chuyển đến người xem. Phim có sự tham gia của các diễn viên: Quỳnh Anh, Kinh Quốc, Lê Phương, Diễm Quỳnh, Trang Nhung, Mai Phương…
Trên đây là những bộ phim học đường Việt Nam hay nhất từng làm mưa làm gió trong giới học đường được sưu tầm và tổng hợp. Những bộ phim trên sẽ giúp các bạn trở lại cái thời ham chơi hơn ham học, với tình cảm học trò trong sáng chớm nở và nhớ đến những người bạn góp phần làm nên thanh xuân tươi đẹp của chúng ta.